Mình – Một đứa đang dấn thân vào con đường Content Branding, đặc biệt thời gian gần đây đang tập trung cho các chiến dịch Branding bằng Mascot.
Gần đây khi tâm sự với một người anh trong ngành về mức độ quan tâm của mọi người với Mascot, thì nhận được một chia sẻ khá chạnh lòng rằng: “Rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đến cái Logo cũng làm chưa tốt huống hồ gì là Mascot. Người ta không quan tâm nhiều đến khâu Branding đâu! Người ta chỉ quan tâm đến Sale, làm sao “ra số” cho nhiều cho nhanh thôi em ạ!”
Mình biết rằng anh ấy đang nói đến phần lớn các thương hiệu nhỏ, do không có nhiều kinh phí cho khâu Branding, Branding vẫn là lối đi dường như chỉ dành cho các thương hiệu lớn. Nhưng mình vẫn giữ quyết tâm đi đường dài với Branding và Mascot, đi trên con đường làm Branding với chi phí rẻ cho các doanh nghiệp nhỏ. Mình nhìn thấy được rất nhiều tiềm năng của Mascot trong khâu Branding, cũng như vai trò quan trọng của Branding với một thương hiệu.
Tư duy “chỉ muốn ra số” không muốn đầu tư vào Branding liệu có là tư duy “ăn xổi ở thì” đã bám rễ?
Và liệu rằng làm Branding có thực sự “hao tài tốn của” đến như vậy?
Mình thì thấy trước hết với một Logo và Mascot được đầu tư chỉn chu đã giúp thương hiệu ghi điểm trong mắt khách hàng hơn rất nhiều. “Một cái tên dễ nhớ, một hình ảnh khó quên” là những mỹ từ mình dành cho một Logo và Mascot được tối ưu. Chỉ với một khoản chi nhỏ để có được một Logo và một Mascot thì việc gì mà không đầu tư ngay từ đầu.
Làm Branding đối với mình cũng như việc ném đá xuống hồ vậy, khi viên đá đủ nặng thì không cần tốn nhiều sức lực, sóng nước vẫn có thể lan tới bờ hồ bên kia. Đầu tư vào Logo, Mascot, đội ngũ nhân viên, hình ảnh sản phẩm để tạo ra được “viên đá đủ nặng”, khi đó không cần tốn quá nhiều tiền bạc vào cách thức truyền thông mà vẫn có được hiệu ứng lan toả viral tốt.
Làm Branding tốt thì đoạn đường sau sẽ nhẹ nhàng hơn, đỡ tốn tiền chạy quảng cáo đẩy Sale… Chẳng phải là “tốn chút tiền đi trước mà đỡ tiền đi sau”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” sao.
Có Mascot rồi lại không biết làm gì tiếp theo?
Nói riêng về Mascot, trong thời đại Marketing đa nền tảng thì Mascot chính là nhân tố có thể linh động khắp mọi mặt trận.
Mascot có thể tuỳ biến từ trên mạng đến ngoài đời thực, từ hình ảnh đến video, từ comic đến hoạt hình, từ quảng cáo internet đến truyền hình. Khi có Mascot rồi, đừng lúng túng khi không biết sử dụng Mascot như thế nào, Mascot có thể được xem là “một gương mặt đại diện”, “một KOL độc quyền và vĩnh cửu” của thương hiệu. Mascot có thể trở thành bất kỳ ai như nhân viên công ty, diễn viên, người kể chuyện…
Tại sao không đầu tư cho mình một Mascot để thoả sức sáng tạo mà quảng bá thương hiệu, truyền bá thông điệp, “đánh cắp trái tim” khách hàng với nó. Giống như cú xanh Duolingo, Mèo Beamin, Gia đình nông dân siêu phàm Kun… đã làm được.
Nếu bạn có niềm tin giống mình, hãy cho mình biết suy nghĩ của bạn nhé!